top of page

Ba trụ cột mới của Tasco



Cơ sở hạ tầng - dịch vụ ô tô, bất động sản và bảo hiểm là ba trụ cột chính trong chiến lược phát triển của Tasco giai đoạn 2022 - 2024.


Hội đồng quản trị của Công ty cổ phần Tasco vừa trình Đại hội đồng cổ đông thông qua chương trình tái cấu trúc lớn nhất trong lịch sử phát triển của doanh nghiệp. Cụ thể, công ty đã trình đại hội thông qua kế hoạch tăng vốn 5.438,8 tỷ để hoán đổi cổ phần của Công ty cổ phần SVC Holdings và phát hành tăng vốn hơn 1.162 tỷ. Mục tiêu của việc phát hành là góp 550 tỷ đồng vốn vào Tasco Land và 612 tỷ đồng góp vốn, đầu tư vào một công ty bảo hiểm phi nhân thọ.


Hoạt động tăng vốn để sở hữu SVC Holdings, đầu tư vào Tasco Land và công ty bảo hiểm của Tasco nằm trong kế hoạch phát triển hệ sinh thái của doanh nghiệp. Trong đó, ba trụ cột chính của hệ sinh thái là cơ sở hạ tầng - dịch vụ ô tô, bất động sản và bảo hiểm.


Theo đánh giá của Hội đồng quản trị Tasco, trong lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng - dịch vụ ô tô, SVC Holdings có lợi thế từ thương hiệu Savico với mạng lưới phân phối ôtô trải dài từ Bắc vào Nam và danh sách phân phối 11 hãng xe. Đơn vị dự kiến đẩy mạnh khai thác lợi thế để đưa thêm các thương hiệu ôtô sang và phổ thông vào Việt Nam, đồng thời phát triển thêm kênh kinh doanh xe đã qua sử dụng.


Hình ảnh một dự án sắp triển khai của Tasco Land ở Hà Nội.

Ảnh: Tasco.


Hoạt động đầu tư bất động sản sẽ được triển khai thông qua Tasco Land. Doanh nghiệp đầu tư trực tiếp hoặc liên danh liên kết, hợp tác đầu tư, mua bán sáp nhập để phát triển các dự án. Công ty sẽ kết hợp nghiên cứu triển khai các dự án bất động sản hiện có của Savico. Ngoài ra Tasco Land còn đầu tư vào Công ty cổ phần Bất động sản du lịch Ninh Vân Bay, đơn vị sở hữu khu nghỉ dưỡng Six Senses Ninh Vân Bay, Khu biệt thự Pháp cổ Ana Mandara Đà Lạt...


"Dựa trên Ninh Vân Bay, Tasco Land sẽ tập trung phát triển chuỗi khách sạn, khu nghỉ dưỡng 5 sao hàng đầu Việt Nam mang thương hiệu Six Senses và Ana Mandara", đại diện công ty cho biết.


Khu biệt thự pháp cổ Ana Mandara Đà Lạt.

Ảnh: Tasco.


Trong kế hoạch trình đại hội, Tasco cũng cho biết kế hoạch đầu tư vào một công ty bảo hiểm phi nhân thọ. Hội đồng quản trị công ty đánh giá, đơn vị có lợi thế sở hữu chuỗi đại lý phân phối ôtô trên cả nước bao gồm 67 showroom (gần 40.000 xe trong năm 2021), hơn 1,4 triệu người sử dụng dịch vụ của Tasco và VETC.


Để đẩy mạnh ba trụ cột kinh doanh, HĐQT Tasco dự kiến trình kế hoạch phát hành tăng vốn hoán đổi cổ phần để sở hữu 100% vốn của SVC Holdings. Đây là cổ đông lớn nhất, chiếm 53,68% cổ phần của Công ty cổ phần Dịch vụ tổng hợp Sài Gòn (Savico) - đơn vị sở hữu hơn 11,2% thị phần xe ôtô với chuỗi phân phối trên cả nước, theo dữ liệu của Vama.


Năm 2021, tổng tài sản của SVC Holdings hợp nhất đạt hơn 11.945 tỷ đồng, trong đó, vốn chủ sở hữu đạt 8.728 tỷ đồng. Ngoài 10 hãng ôtô phổ thông (Toyota, Ford...) của Savico, SVC Holdings còn sở hữu các công ty phân phối ôtô Volvo, một trong những thương hiệu ôtô hạng sang.


SVC Holdings cũng sở hữu Công ty cổ phần Savico Hà Nội - chủ đầu tư của dự án Trung tâm Savico Megamall 4,6 ha tại Long Biên (Hà Nội), một số showroom như Toyota Giải Phóng, Toyota Long Biên... đồng thời sở hữu Công ty cổ phần Dana với các showroom phân phối tại miền Trung.


Theo kế hoạch kinh doanh giai đoạn 2022 - 2024, Tasco đặt chỉ tiêu tổng doanh thu năm 2022 là 11.400 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 250 tỷ đồng. Đến năm 2024, tổng doanh thu đạt 48.600 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 1.350 tỷ đồng.


Theo Ngọc Diễm

Nguồn Vnexpress.net

Comments


  • Facebook
  • Twitter
  • LinkedIn

©2022 by Tintucnhanh.vn

bottom of page